Thủy đậu là bệnh thường gặp ở trẻ em trong mùa đông - xuân. Bệnh do vi-rút gây ra và lây theo đường hô hấp. Vi-rút này cũng có trong các nốt thủy đậu và làm lây bệnh cho những trẻ khác qua tiếp xúc trực tiếp hay gián tiếp.
Thời kỳ ủ bệnh, trẻ bị sốt nhẹ, sổ mũi, kém ăn, quấy khóc. Mụn thủy đậu xuất hiện là những mụn nước trong, hơi ngả vàng. Các nốt này khô lại vào ngày thứ 5, thứ 6, đóng vảy màu nâu sẫm và bong vảy vào ngày thứ 8, thứ 9, không để lại sẹo, trừ khi bị gãi loét ra và bị bội nhiễm.
Nếu không được giữ gìn và điều trị thì bệnh thủy đậu cũng gây những biến chứng là bội nhiễm vi khuẩn khiến các nốt thủy đậu, trẻ sẽ bị sốt cao kéo dài, viêm thận, viêm tai giữa, viêm phế quản - phổi…
Bệnh thủy đậu và tay chân miệng có biểu hiện bóng nước khá giống nhau (Ảnh minh họa: Internet)
Vì là bệnh lây lan nên khi trẻ bị thủy đậu, việc đầu tiên là các bậc cha mẹ nên cách ly trẻ tại nhà cho tới khi khỏi hẳn. Bổ sung thêm vitamin C, nhỏ mũi 2 lần/ngày cho trẻ. Mặc quần áo vải mềm, thấm hút mồ hôi và đặc biệt chú ý tới việc đảm bảo vệ sinh da cho trẻ để tránh xảy ra biến chứng. Giữ bàn tay cho trẻ thật sạch.
Thủy đậu có biểu hiện bóng nước khá giống bóng nước của bệnh tay chân miệng:
Để phân biệt phụ huynh cần chú ý những khác biệt sau:
- Bóng nước trong bệnh thủy đậu có nhiều kích cỡ khác nhau (do thời điểm xuất hiện bóng nước khác nhau), trong khi đó bóng nước trong bệnh tay chân miệng rất đồng đều.
- Bóng nước trong bệnh thủy đậu xuất hiện toàn thân, trong khi bóng nước của bệnh tay chân miệng thường xuất hiện khu trú ở những vị trí đặc trưng như lòng bàn tay, lòng bàn chân, ổ miệng hoặc vùng mông, vùng khớp gối.
- Bóng nước trong bệnh thủy đậu thường gây ngứa và đau khi ta ấn lên vùng da có bóng nước, bóng nước của bệnh tay chân miệng thường không gây ngứa và ấn không đau.